Nhắc đến Hồ Huy chẳng mấy ai không biết ông chủ của hãng taxi nổi tiếng với màu xanh đặc trưng mang tên Mai Linh huyền thoại ấy. Cái tên làm nên thương hiệu. Cũng cái tên ấy một thời “làm mưa làm gió” trên thương trường trong lĩnh vực vận tải mà giờ đây nhắc đến taxi Mai Linh thì hình ảnh màu xanh hy vọng ấy vẫn như ghim vào con tim khối óc của mỗi khách hàng.
Làm sao họ có thể nổi được như vậy, phát triển mạnh mẽ và luôn ấn tượng với khách hàng đến thế. Câu chuyện về bài học trong kinh doanh – hẳn là điều ai cũng nghĩ tới. Nhưng, với doanh nhân Hồ Huy, “cha đẻ” của thương hiệu đầy ấn tượng và rất thân thiện này thì Mai Linh không chỉ là chuyện thương trường mà còn là duyên nợ, là nghĩa tình. Phía sau một Hồ Huy là doanh nhân tài ba đầy chất lính, còn có một Hồ Huy nhẹ nhàng, đằm thắm và rất nhân văn, luôn hướng về nguồn cội. Một Hồ Huy luôn nặng lòng với quê hương đất nước, với anh em dòng tộc, với đồng đội yêu thương và với chính các thành viên đã góp phần làm nên thương hiệu Mai Linh đầy nghĩa tình này.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày để học trò hướng về người đã dạy dỗ mình nên người, ngày để mỗi người thể hiện hai chữ đạo hiếu, tri ân, báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với doanh nhân Hồ Huy xoay quanh chủ đề kinh doanh, đạo hiếu và chữ Tình trong cuộc sống.
Chủ tịch tập đoàn Mai Linh- Doanh nhân Hồ Huy
Thưa anh Hồ Huy, được biết anh khởi nghiệp từ năm 1993 chỉ với 300 triệu đồng, 2 chiếc xe du lịch 4 chỗ với 25 nhân viên và không lâu sau đó đã làm nên một thương hiệu Mai Linh nổi tiếng ai cũng biết đến. Hẳn con đường khởi nghiệp ấy của anh có quá nhiều may mắn khi thời điểm đó kinh doanh taxi không phải câu chuyện dễ?
Doanh nhân Hồ Huy: Thực ra như bạn đã biết, vào thời điểm 1993 khi chúng tôi gây dựng Mai Linh thì ở nước ta nền kinh tế thị trường cũng chỉ mới bắt đầu, việc người dân đi taxi là rất xa xỉ, chưa nói đến cơ chế kinh doanh còn chưa được thông thoáng, khó khăn đủ bề. Nhưng cá nhân tôi được nhà nước cho đi học nước ngoài, biết đây biết đó, lại được may mắn trải qua thời kỳ binh nghiệp, chất lính trong người luôn thường trực, không ngại khó ngại khổ và biết chấp nhận sự hi sinh để mà cống hiến. Tôi nghĩ, phải biết dấn thân để làm được điều gì đó cho quê hương đất nước mình. Vậy là cùng với một số anh em kêu gọi góp vốn, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, đồng lòng gây dựng công ty với quyết tâm: “đi là sẽ tới”.
Mai Linh đã trải qua thời kỳ rất huy hoàng nhưng cũng có lúc gặp không ít sóng gió. Nhiều người đã từng lo lắng cho thương hiệu lừng lẫy có nguy cơ mất đi nhưng rồi mọi chuyện lại được giải quyết đâu vào đấy bởi tài dẫn dắt của anh. Đó là sự phục hồi hết sức thần kỳ. Đâu là bí quyết để một doanh nhân vượt qua khủng hoảng thưa anh?
Doanh nhân Hồ Huy: Trong kinh doanh không phải lúc nào cũng chỉ có con đường bằng phẳng, thuận lợi. Mai Linh là tập đoàn lớn, với bề dày 23 năm gây dựng trưởng thành, hiện chúng tôi có hơn 30 nghìn cán bộ nhân viên khắp mọi miền đất nước. Như bạn đã biết, Mai Linh đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2012-2014, có lúc mọi người tưởng thương hiệu Mai Linh rực rỡ coi như đã “chết”. Thế nhưng được sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới như PwC, KPMG, chúng tôi đã thực hiện việc tái cấu trúc theo hướng cắt giảm các bộ máy trung gian. Cụ thể tại thị trường miền Nam từ Nha Trang đến Cà Mau, chúng tôi thành lập các chi nhánh MLG hoạt động thay thế cho các công ty trách nhiệm hữu hạn. Việc cắt giảm bộ máy trung gian, thực hiện tài chính tập trung, mua sắm tập trung, đầu tư tập trung không chỉ giúp Mai Linh vượt qua được thời kỳ khó khăn khủng hoảng mà còn làm lợi cho Tập đoàn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Là một doanh nhân có gốc gác “lính”, tôi chấp nhận thử thách và sẽ nỗ lực vượt qua thử thách. Khát vọng của tôi là xây dựng một thương hiệu Việt nổi tiếng. Không có lý gì để doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà, nên cho dù khó đến mấy cũng phải làm được. 23 năm gây dựng công ty đầy những thăng trầm, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc.
Tuy nhiên, trong quá trình tái cấu trúc lại hệ thống của mình Mai Linh cũng vấp phải những vấn đề như xung đột nội bộ, một số cá nhân do bị thay thế chức vụ đã khiếu kiện, vu khống làm mất uy tín của tập đoàn. Điển hình là trường hợp của ông Hồ Chương, nguyên là Tổng Giám đốc miền Bắc của Mai Linh.
Nhưng ông Hồ Chương là em trai anh và Mai Linh là doanh nghiệp tư nhân do anh và những người anh em khởi dựng?
Doanh nhân Hồ Huy: Đó là nỗi đau không chỉ của riêng cá nhân tôi mà rất nhiều cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống đều cảm thấy xót xa. Chuyện trong nhà lẽ ra chỉ nên đóng cửa bảo nhau, bởi dẫu thế nào thì “máu chảy ruột mềm”, “nồi da xáo thịt” chẳng hay ho gì. Ông Hồ Chương làm Tổng GĐ Mai Linh miền Bắc đến 13 năm trong khi theo điều lệ của công ty thì chức danh này không được làm quá 3 năm. Điều quan trọng là ông ấy còn làm Chủ tịch HĐQT tại hơn 10 công ty riêng của ông ấy nên sao nhãng nhiệm vụ chung của toàn tập đoàn, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quyền lợi các cổ đông, gây bức xúc cho nhiều cán bộ. Biết là rất đau nhưng chúng tôi buộc phải thay thế chức danh này bởi không thể vì một cá nhân mà làm liên lụy đến sự tồn vong của tập đoàn, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 30 nghìn cán bộ của Mai Linh cũng như hàng chục ngàn thành viên là người thân và gia đình của họ.
Một số người không hiểu đã cho rằng Mai Linh đang có cuộc tranh giành nội bộ, ruột thịt đấu đá nhau?
Doanh nhân Hồ Huy: Tôi chỉ muốn nói thế này: Bản thân tôi không đấu đá với ai cả và cũng chưa từng nghĩ sẽ phải đấu đá với ai, nhất là với những người anh em ruột thịt. Có điều để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các cộng sự, các cổ đông và hàng chục ngàn lao động của tập đoàn, chúng tôi sẽ lên tiếng, đấu tranh đến cùng để đảm bảo sự công bằng. Ở một khía cạnh khác, chuyện nội bộ gia đình, dẫu có thế nào thì không ai muốn vạch áo cho người xem lưng cả. Bản thân tôi có được như ngày hôm nay là luôn mang ơn chính người sinh thành dưỡng dục, mang ơn tiên tổ đã cho chúng tôi nền tảng và truyền thống biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Chúng tôi luôn biết ơn những người đã cho chúng tôi được ăn học tử tế, được tiếp xúc với những cơ hội để làm người, làm ông này bà nọ.
Trong lĩnh vực kinh doanh cũng vậy. Mọi thứ không tự nhiên mà có được. Ngoài nỗ lực của bản thân, còn có sự giúp đỡ, dìu dắt của người đi trước, của người có kinh nghiệm, người đã cho ta cơ hội để thành đạt, làm ăn phát tài. Vậy nên cuộc đời không chỉ nói biết ơn suông mà còn phải hành động để điều ơn nghĩa đó luôn lan tỏa với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng xã hội. Tôi luôn tâm niệm rằng, không làm được điều gì tốt hơn cho người khác thì thôi chứ không bao giờ làm tổn hại đến ai cả, nhất là với những người ruột thịt của mình, đồng đội đồng chí và anh em mình. Đó là điều rất tối kị.
Với Hồ Chương, một người em ruột thịt của tôi do bức xúc mà có những việc làm không hay ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của tập đoàn khiến tôi rất phiền lòng. Là người dìu dắt, nâng đỡ và tạo điều kiện để chú ấy làm nên cơ nghiệp như ngày hôm nay, tôi thực sự xót xa và thấy dù sao vẫn có phần trách nhiệm của mình trong đó. Điều tôi luôn trăn trở là tại sao chú ấy có thể làm những điều như thế với người đã dìu dắt dạy bảo và nâng đỡ mình. Tại sao chú ấy nỡ phá vỡ truyền thống của gia đình, dòng tộc là luôn hết lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau, khi gian khó cũng như lúc thịnh vượng? Tôi không cần chú ấy trả ơn nhưng lẽ nào người anh em máu mủ của mình lại đi ngược lợi ích cũng như nề nếp gia phong mà không chỉ dòng tộc mà ngay cả cộng đồng xã hội và hàng chục nghìn con người của Mai Linh vẫn phải trân trọng.Chủ tịch tập đoàn Mai Linh- Doanh nhân Hồ Huy lội nước cứu trọ đồng bào lũ lụt miền Trung
Biết ơn những người đã dạy dỗ, dìu dắt mình là điều ai cũng nên làm. Nhưng để làm được điều như anh nói hẳn không phải dễ?
Doanh nhân Hồ Huy: Đúng là không dễ dàng gì khi nói biết ơn là chúng ta có thể làm ngay được mà mọi chuyện phải xuất phát từ cái tâm của mình. Miệng nói biết ơn nhưng trong lòng không nghĩ thế thì thật tội lỗi, thà rằng không nói gì còn hơn. Với tôi, mỗi ngày qua đi sẽ cố gắng làm được điều gì đó cho người thân, cho cộng đồng và đặc biệt cho hơn 30 ngàn con người đang ngày đêm miệt mài trên mọi lĩnh vực vì ngôi nhà chung của chúng tôi. Tôi cảm động lắm, mỗi khi nghĩ đến những anh em lái xe không quản ngại nắng mưa, đêm hôm để phục vụ khách, kể cả những khách hàng khó tính nhất.
Tôi luôn khâm phục đạo đức của những anh em dù cuộc sống khó khăn nhưng không tham của, chủ động trả lại tiền, vàng, tài sản có giá trị mà khách để quên trên xe. Tôi cũng luôn cảm phục khi hơn 700 anh em là lái xe của Mai Linh đang có người thân oằn mình trong bão lũ miền Trung, chống chọi với cái đói, khó khăn tật bệnh nhưng vẫn không rời vị trí, đảm bảo chỉ tiêu, doanh số được giao. Chuyến đi cứu trợ của lãnh đạo tập đoàn Mai Linh về với đồng bào miền Trung, chúng tôi muốn hỗ trợ động viên người thân của họ để anh em yên tâm làm việc. Dù chưa làm được gì nhiều nhưng chúng tôi tâm niệm luôn vì anh em, sát cánh cùng anh em trong mọi hoàn cảnh.
Là người đứng đầu một tập đoàn kinh tế lớn, dù phải đối mặt với không ít khó khăn thử thách nhưng anh vẫn không quên làm công tác từ thiện, các hoạt động nhân đạo. Anh cũng là người luôn tôn trọng đạo hiếu, sống nhân văn, ứng xử rất tình với mọi người cho dù họ ở trong hoàn cảnh nào. Động lực nào khiến anh có cách hành xử ấn tượng như vậy?
Doanh nhân Hồ Huy: Các hoạt động thiện nguyện là việc làm thường xuyên của Mai Linh, cho dù chúng tôi có những lúc cũng phải đối mặt với khó khăn thách thức rất lớn. Tôi nghĩ rằng, khi chúng tôi cho đi là chúng tôi đã nhận lại được rất nhiều. Đợt đi cứu trợ dài ngày ở các tỉnh miền Trung cá nhân tôi cảm nhận rất rõ nỗi đau mất mát của bà con nơi đây. Cũng từ nơi ấy, đồng bào luôn dành cho chúng tôi những tình cảm rất sâu nặng, qua đó chúng tôi thấm thía tình người trong bão lũ nó quý giá thế nào. Đó là cái được rất lớn. Nhưng cũng đừng bao giờ nghĩ cho đi thì phải được nhận lại cái gì. Cuộc đời quá ngắn nếu chúng ta không biết tận dụng những cơ hội để sống tốt, sống hiếu nghĩa và đừng quên việc tri ân với người đã có công lao giúp đỡ mình nên người. Ăn quả thì phải biết nhớ kẻ trồng cây. Đó là cái đạo làm người ở đời.
Anh có tin có luật nhân quả?
Doanh nhân Hồ Huy: Tôi là người không duy tâm nhưng tôi tin, cuộc sống vốn dĩ rất công bằng. Đức phật đã dạy, “gieo nhân nào gặt quả ấy”. Chúng ta làm được nhiều việc tốt thì bản thân và con cháu chúng ta được hưởng cuộc sống an lành tốt đẹp và ngược lại. Trong công việc kinh doanh cũng như cuộc sống tôi luôn tâm niệm rằng mình phải đàng hoàng, trung thực, nhân văn, hết lòng phụng sự tập thể, đồng cảm chia sẻ với anh em. Tôi thực sự biết ơn những người đã luôn đồng hành với tôi, đồng cam cộng khổ từ những ngày đầu Mai Linh khởi nghiệp và gắn bó với chúng tôi qua những bước thăng trầm, khó nhọc. Tôi tin rằng, sự đoàn kết, cống hiến và gắn bó của họ sẽ giúp cho Mai Linh phát triển bền vững, đem lại nhiều nguồn lợi cho cộng đồng xã hội và cho chính bản thân, gia đình cán bộ, nhân viên trong tập đoàn.
Xin hỏi anh câu cuối. Sắp đến ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày để trò tri ân thầy, ngày để mỗi người có dịp được bày tỏ đạo hiếu với người thân, ân nhân, bậc thầy của mình. Anh có cảm nghĩ gì?
Doanh nhân Hồ Huy: Mỗi chúng ta ai cũng có người thầy của mình. Đó là thầy dạy chữ, thầy dạy nghề và cả người thầy trong cuộc sống. Tôi luôn coi những người đã có công lao với mình dù chỉ một ngày cũng là ân nhân và luôn trân quý, biết ơn họ. Cho dù mình có thành danh hay không, khó khăn gian khổ thế nào hay đang làm ông này bà nọ thì đừng bao giờ quên một việc đó là lòng biết ơn, mà phải biết ơn một cách chân thành, chân thật. Đức Phật dạy: kẻ nào biết ơn thầy, khi có thầy thì lo phụng sự; khi vắng thầy thì lo suy nghĩ những lời thầy đã dạy bảo; giống như kẻ hiếu tử nghĩ nhớ cha mẹ, và như người đói khát nhớ nghĩ đến việc uống ăn. Phật cũng dạy: Kẻ ác muốn hại kẻ hiền, như ngửa miệng lên trời khạc nhổ, khạc chẳng đến người mà rơi lại nơi mình. Lại như kẻ đứng đầu gió lấy chân quấy bụi, bụi chẳng đến người mà đã dơ thân mình. Người hiền không thể hủy hoại lại diệt mình.
Trở lại câu chuyện của Mai Linh thì điều dễ nhận thấy đó là, sự thay đổi nào cũng không dễ dàng, cắt bỏ cái gì đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân ai đó, sẽ có những phản ứng đau đớn. Nhưng người lãnh đạo phải có bản lĩnh và lấy cái chung làm gốc, hành động vì lợi ích chung của người lao động, vì sự phát triển của Tập đoàn.
Đổi mới là một quá trình khó khăn và làm người đi đầu là phải chấp nhận cả nguy hiểm, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện khát vọng của mình. Ai cũng sợ rủi ro thì cái mới sẽ không có cơ hội”.
Chung quy lại, để làm một người tử tế, hẳn không phải chuyện dễ. Nhưng cuộc đời chẳng có bao nhiêu nên hãy cứ sống hết mình, cống hiến hết mình, yêu thương hết mình thì chúng ta sẽ được điều mình muốn, cùng lắm thì chúng ta cũng không phải hối tiếc điều gì.
Xin cảm ơn anh về những bộc bạch rất đỗi chân thành này.
Nguồn: Giadinhvietnam