Kể từ khi xe Taxi công nghệ xuất hiện tại thị trường Việt Nam đã tạo ra “cuộc cạnh tranh” giữa hai loại hình vận tải taxi truyền thống và xe công nghệ, chất lượng dịch vụ được cải thiện rất lớn, thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 trong kinh doanh vận tải.
Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ về dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (thay thế Nghị định 86) sau khi tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải đã “cởi trói” cho các hãng taxi công nghệ trong đó có Grab không phải gắn “mào” được nhiều người đánh giá là phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chấp thuận cho các xe taxi truyền thống, xe công nghệ (như: Grab, Go-Việt, Be, Fast-Go) khi hoạt động kinh doanh vận tải hành khách thông qua ứng dụng điện tử (thanh toán bằng đồng hồ) không nhất thiết phải gắn hộp đèn (mào) có chữ “TAXI” trên nóc xe mà có thể dán cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu là 6×20 cm. Đối với những xe taxi, Grab, lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI”.
Tại sao Bộ GTVT lại “cởi trói” cho các hãng taxi công nghệ? Ai được hưởng lợi từ những dịch vụ của xe công nghệ Grab?. Đó chính là những gì mà nhiều người đang thắc mắc khi Bộ GTVT đưa ra các quy định mới trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86.
Nếu nhìn vào “bức tranh” tổng thể về thị trường kinh doanh vận tải hành khách trong những năm qua, kể từ có sự xuất hiện của công nghệ mới khởi nguồn từ Grab và hàng loại hãng taxi công nghệ khác xuất hiện đã làm thay đổi nhanh chóng dịch vụ vận tải, dẫn đến thay đổi về cả những phúc lợi xã hội.
Những lợi ích mà xe công nghệ đem lại chính là chất lượng dịch vụ tương tự taxi xuất hiện một vài năm gần đây nhưng lại được khai thác dựa trên nền tảng công nghệ giúp cho khách hàng được hưởng giá dịch vụ đi lại thấp hơn so với trước đây. Đặc biệt, khách hàng có thể gọi xe ở bất kỳ nơi nào, chỉ cần có 1 chiếc điện thoại thông minh là đủ để hưởng chất lượng, an toàn và độ tin cậy cao hơn.
Theo thống kê, hiện nay cứ 4 người Việt thì có một người sử dụng Grab để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất trong cuộc sống hằng ngày. Grab đặt mục tiêu đến năm 2020, cứ 2 người Việt Nam thì có một người sử dụng Grab.
Hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Cuối tháng 8/2019, Grab cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) trong 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động mới (mobility) và logistics. Khoản đầu tư này tiếp nối sự tăng trưởng mạnh mẽ của Grab trong nửa đầu năm 2019 trên cả 3 lĩnh vực, gồm kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử.
Nhiều chuyên gia giao thông nhận định: Grab chính là phép thử đối với định hướng thúc đẩy khoa học công nghiệp trong thực tiễn đời sống và trong hoạt động kinh tế của Chính phủ. Nói một cách rõ ràng hơn thí Grab chính là sự thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực giao thông vận tải. Sẽ có nhiều người dân không phân biệt rành mạch ưu nhược điểm của taxi truyền thống với Uber/Grab, chỉ đơn giản đây là hình thức vận tải có trả phí nhưng trên thực tế, bản chất của hai loại hình thức vận tải này lại khác nhau.
Tại Điều 66 Luật Giao thông đường bộ quy định 05 loại hình vận tải, trong đó loại hình vận tải xe taxi quy định rõ về biển hiệu, tên, công tơ mét và những nhận dạng riêng… đồng thời, xe hợp đồng được thực hiện bằng giấy trắng mực đen kèm chữ ký.
Tuy nhiên, loại hình hợp đồng điện tử như Uber/Grab thì ngược lại, vì phần mềm Uber/Grab cho phép người sử dụng ký hợp đồng điện tử đã biết trước chiều dài quãng đường kèm chi phí phải thanh toán hiện ra ngay trên ứng dụng. Việc bùng nổ thị trường xe công nghệ đã tạo ra sự cạnh tranh với ngành taxi truyền thống, nhưng khách hàng lại được hưởng dịch vụ tốt hơn từ sự cạnh tranh này.
Theo anh Phạm Đình Thế, Chuyên gia pháp lý cho rằng, trước đây các doanh nghiệp vận tải taxi dễ dàng tăng giá và rất khó giảm giá thì trên thực tế, từ khi xuất hình thức hợp đồng điện tử, hiện tượng này đã giảm. Rõ ràng, kể từ khi xe công nghệ Grab xuất hiện tại thị trường Việt Nam đã tạo ra “cuộc cạnh tranh” giữa hai loại hình vận tải taxi truyền thống và xe công nghệ Grab áp dụng công nghệ theo xu hướng 4.0 trong tương lai của khoa học công nghệ là phần mềm kết nối và chia sẻ. Xe công nghệ Grab được gọi là loại hình hợp đồng điện tử không gây ra sự thiệt hại cho xã hội bởi bản chất là ứng dụng công nghệ để giảm chi phí. Đây là loại hình sử dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi và dư thừa, nếu có một chính sách cởi mở thì sẽ tận dụng được nhiều nguồn lực để phục vụ xã hội.
Nguồn: Danviet