Vừa qua UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã có 8 trường hợp mắc bệnh; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 3 trường hợp. Tất cả mọi người cần phải thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, những trường hợp đi từ vùng dịch phải cách ly 14 ngày. Dù là công dân Trung Quốc, ngoại quốc hay công dân Việt Nam đều phải thực hiện biện pháp đó.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ in 5 triệu tờ rơi về những khuyến cáo phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV); trước mắt đã in 1 triệu tờ rơi để phát cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Báo chí Thành phố để tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh…
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, bình quân thành phố có khoảng 1,6 triệu hành khách đi lại mỗi ngày nên nguy cơ lây rất cao; trong đó sân bay Tân Sơn Nhất bình quân mỗi ngày có 100.000 hành khách, ga Sài Gòn là 20.000 hành khách, xe buýt là 1,3 triệu hành khách… Sở đã phun thuốc sát trùng các nơi tập trung đông hành khách trong hai tuần liên tục và bắt đầu từ hôm nay sẽ phun xịt luôn trên các phương tiện.
Liên quan vấn đề này, Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc phòng chống dịch bệnh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng là mang khẩu trang, phun thuốc khử trùng và truyền thông. Các phương tiện vận tải di chuyển như xe buýt được xem là nơi công cộng nên hành khách phải mang khẩu trang khi sử dụng phương tiện. Bên trong phương tiện thì việc khử khuẩn là rất quan trọng, tuy nhiên không phun thuốc mà phải vệ sinh những vị trí có nguy cơ lây nhiễm như tay cầm, tay vịn, khu vực cửa lên xuống…
Về cung ứng khẩu trang, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết, Sở Công Thương đã họp với Sở Y tế, thành lập 3 tổ công tác để làm việc với các doanh nghiệp đang sản xuất khẩu trang trên địa bàn nhằm nắm sản lượng, nguyên liệu sản xuất, những khó khăn… để có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường đang tích cực các hoạt động kiểm soát thị trường, để trong tình hình dịch bệnh, các cơ sở kinh doanh khẩu trang, nước sát khuẩn… không găm hàng, tăng giá.
Trong khi đó, đại diện Sài Gòn Co.op cho biết, sẽ đảm bảo lượng khẩu trang, gel và nước tay để cung ứng cho người dân. Đến thời điểm này, các đơn vị đã hoạt động trở lại bình thường và thị phần phân bổ cho Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày là 100.000 chiếc khẩu trang, 5.000 chai gel, 4.000 viên xà bông và chai nước rửa tay. Đơn vị đảm bảo cung cấp đẩy đủ các nhu yếu phẩm, trong đó như khẩu trang, gel, chai rửa tay…
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đề nghị, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai các kế hoạch và bổ sung theo tình hình thực tế, đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải. Các đơn vị vận tải bố trí đầy đủ dung dịch rửa tay, khử trùng trên các phương tiện vận tải hành khác công cộng; bố trí các khu vực phòng chờ, khu vệ sinh sạch sẽ.
Ngoài ra, các hiệp hội vận tải phối hợp tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trung tâm Quản lý hành khách công cộng tổ chức tuyên truyền cho các hành khách đi xe buýt, tại các bến xe buýt; phối hợp với các cơ sở y tế khi có sự cố xảy ra.
Ông Lê Thanh Liêm cũng đề nghị các đơn vị kiểm soát tốt thị trường, tránh đầu cơ, nâng giá; cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người dân. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 35 cơ sở sản xuất khẩu trang nên đảm bảo cho thị trường./.
Nguồn: TTXVN