Wall Street Journal tiết lộ một phòng thí nghiệm quốc gia của Mỹ đã kết luận giả thuyết “nCoV lọt từ phòng thí nghiệm” là có cơ sở.
Báo cáo do Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore tiến hành hồi tháng 5/2020 kết luận giả thuyết “nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán” là có cơ sở và cần nghiên cứu thêm. Báo cáo được Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng khi điều tra nguồn gốc đại dịch trong những tháng cuối nhiệm kỳ của cựu tổng thống Donald Trump, tờ Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin am hiểu tài liệu mật này hôm 7/6.
Thông tin về báo cáo gây chú ý trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ báo cáo về nguồn gốc nCoV trong vài tuần tới. Có hai giả thuyết chính về nguồn gốc Covid-19 gồm virus lây từ động vật, có thể bắt đầu từ dơi, sang người, hoặc lọt ra từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán (WIV), nơi tiến hành nghiên cứu gây tranh cãi về virus corona ở dơi và được Mỹ tài trợ một phần.
Các nguồn tin cho biết nghiên cứu được tiến hành bởi “Phòng Z”, đơn vị tình báo riêng của Phòng thí nghiệm Lawrence Livermore, cơ quan có chuyên môn sâu về vấn đề sinh học. Kết luận được đưa ra dựa trên phân tích bộ gen của nCoV.
Thông tin chưa được công bố trong báo cáo tình báo của Mỹ cho thấy ba chuyên gia Viện Virus học ở thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát cuối năm 2019, đã nhập viện điều trị vì các triệu chứng tương tự cả Covid-19 và bệnh cúm mùa. Trung Quốc bác thông tin này, tố Mỹ thổi phồng thuyết âm mưu về nguồn gốc dịch bệnh.
Viện Virus học Vũ Hán là cơ sở nghiên cứu SARS hàng đầu của Trung Quốc, nằm không xa chợ hải sản Hoa Nam, nơi được cho là xảy ra tình trạng virus lây từ động vật sang người vào đầu đại dịch. Đây cũng là nơi ghi nhận sự kiện siêu lây nhiễm đầu tiên trong đại dịch Covid-19.
Khoảng cách gần giữa phòng thí nghiệm của WIV và chợ Hoa Nam đã gây ra nhiều ngờ vực về nguồn gốc nCoV. Trung Quốc đến nay chưa nhận diện được loài động vật mang chủng virus này, đồng thời từ chối điều tra toàn diện về kịch bản nCoV lọt ra từ phòng thí nghiệm.
Một số nước, trong đó Mỹ, Anh và Nhật Bản, cho rằng phát hiện trong cuộc điều tra hồi đầu năm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành tại Vũ Hán là sai sót do thiếu minh bạch, thiếu độc lập với Bắc Kinh. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng trích dẫn những lỗ hổng trong truy cập dữ liệu tại Vũ Hán của các nhà khoa học quốc tế, dù Trung Quốc khẳng định nước này đã minh bạch và hoàn thành trách nhiệm.